Tóm tắt đạo Hindu Ấn Độ

Mục Lục

Đạo Hindu Ấn Độ hay còn gọi là Ấn Độ giáo là sự tiếp nối từ Veda giáo và Bàlamôn giáo theo khuynh hướng dân tộc hóa để biến tôn giáo này thành tôn giáo chính của người Ấn Độ và của tất cả người Hindu. Cùng nhau tìm hiểu tóm tắt về đạo Hindu Ấn Độ nhé!

Giới thiệu đạo Hindu Ấn Độ

Đạo Hindu Ấn Độ hay Ấn Độ giáo là một tôn giáo, hệ thống tín ngưỡng và đạo pháp, hay cách sống, được thực hành rộng rãi ở tiểu lục địa Ấn Độ và một phần của Đông Nam Á. Ấn Độ giáo được coi là tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới.

Ấn Độ giáo là tôn giáo lớn thứ ba thế giới, những người theo đạo Hindu Ấn Độ, được gọi là người Ấn giáo, chiếm khoảng 1,2 tỷ, tương đương 15-16% dân số trên toàn cầu.

Ấn Độ giáo là đức tin được tuyên bố rộng rãi nhất ở Ấn Độ, Nepal và Mauritius. Đây cũng là tôn giáo chiếm ưu thế ở Bali, Indonesia. Số lượng tín đồ đáng kể các cộng đồng Ấn Đô giáo cũng tồn tại ở Caribbean, Đông Nam Á, Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Đại Dương, Châu Phi và các khu vực khác.

Các giai đoạn phát triển của đạo Hindu Ấn Độ

Lịch sử đạo Hindu Ấn Độ có từ rất sớm, được xem như một tôn giáo sớm nhất của nhân loại. Phân kỳ lịch sử và phát triển của đạo Hindu Ấn độ được chia làm 3 giai đoạn với ba tên gọi là: Veda giáo, Bàlamôn giáoHindu giáo. Cách phân chia này làm rõ được sự tiếp nối, cách tân và đổi tên của cùng một tôn giáo theo các giai đoạn do những mục đích thần quyền hóa, giai cấp hóa, hay dân tộc hóa trong mỗi giai đoạn.

1. Giai đoạn Veda giáo (khoảng 1500 năm – 500 năm TCN)

Veda giáo là tôn giáo khởi nguyên của tộc người Dravidian ở Ấn Độ, là một tôn giáo cổ nhất của loài người. Gọi tên là Veda giáo vì tôn giáo này xây dựng giáo thuyết trên Kinh Vệ-Đà (nghĩa là thông hiểu).

Veda giáo tập hợp niềm tin tôn giáo đa thần và thờ cúng thiên nhiên bao gồm nhiều tín ngưỡng, có nghi lễ, có bùa chú, do các truyền thuyết của thổ dân da đen Dravidian ở bán đảo Ấn Độ, phối hợp với các tín ngưỡng của dân tộc da trắng từ phương Tây Bắc đến xâm lăng, nhất là dân da trắng Aryan tràn vào phía bắc Ấn Độ.

Kinh điển của Veda giáo là bộ Kinh Veda được viết bằng tiếng Phạn của người Aryan, gồm 4 tập, trong đó tập hợp các bài thánh ca hay thần chú cổ, nên còn gọi là Tứ Veda, và cổ nhất trong đó là Rig Veda (Lê Câu Vê Đa). Rig Veda gồm 1.028 bài thánh ca và 10.600 câu thơ, được sắp xếp thành 10 tập (Mandalas) ngợi ca các thần, thể hiện khát vọng tâm linh, song đó cũng chính là những tri thức đầu tiên của người Ấn Độ cổ về tự nhiên và xã hội qua ngôn ngữ tâm linh, được tin là do thiên khải hay mặc khải bởi thần thánh chứ không phải do con người sáng tạo ra.

Toàn bộ kinh sách, hệ thống thần thánh căn bản của Veda giáo gần như được bảo tồn và tiếp tục phát triển trong các giai đoạn Bàlamôn giáo và Hindu giáo

2. Giai đoạn Bàlamôn giáo (khoảng 500 năm TCN – 500 năm CN)

Bàlamôn giáo được hình thành trên cơ sở Veda giáo khoảng 800 năm TCN, tức là một thời gian không xa lắm trước khi Đức Phật Thích Ca mở Phật giáo ở Ấn Độ.

Bàlamôn giáo đưa ra những kinh sách để giải thích và bình luận Kinh Vệ-Đà như: Kinh Brahmana, Kinh Upanishad, Giải thích về Maya (tức là Thế giới ảo ảnh) và về Niết bàn.

Tín đồ của Bàlamôn giáo chủ yếu là những người gốc Aryan sống bán du mục ở phía Bắc du nhập nhiều đợt vào miền Tây và Tây bắc Ấn Độ trong khoảng thời gian dài 1700 – 1200 TCN.

Bàlamôn giáo phát triển theo khuynh hướng nhất thần và thờ Đấng Brahma là Đấng tối cao tối linh, là linh hồn của vũ trụ.

Giáo lý Bàlamôn được cụ thể hóa thành 10 giới răn về chuẩn mực đạo đức: không sát sinh; không nói dối; không trộm cắp; biết kiềm chế dục vọng và ham muốn; không tham lam; sạch sẽ, tinh khiết; biết bằng lòng; kỷ luật với bản thân; phải học tập; vâng phục mệnh trời.

Kinh điển trong giai đoạn Bàlamôn giáo vẫn là kinh Veda, song có phát triển nhiều hơn về thần học và triết học. Kinh Veda được truyền miệng qua nhiều đời và được hoàn thiện hơn.

Kinh điển Bàlamôn giáo là hệ thống lý luận đầu tiên chứng minh cho sự hợp lý của tình trạng bất bình đẳng giai cấp bằng mô hình xã hội thần quyền, mà trong đó giới Bàlamôn được coi là đẳng cấp thần thánh, có vị trí cao nhất trong xã hội.

Sự phân chia giai cấp xã hội

Bàlamôn giáo phân chia xã hội Ấn Độ làm 5 giai cấp. Ai sinh ra trong giai cấp nào thì phải ở mãi trong giai cấp đó suốt đời.

  1. Giai cấp trên hết là các Tăng lữ Bàlamôn: sinh ra từ miệng Phạm Thiên là đẳng cấp thần thánh
  2. Giai cấp thứ nhì là Sát Đế Lị: sinh từ cánh tay của Phạm Thiên là hàng vua chúa, quý tộc
  3. Giai cấp thứ ba là Vệ Xá: sinh ra từ bắp đùi của Phạm Thiên gồm các nhà thương mại, các trại chủ giàu có nên đảm đương về kinh tế, sản xuất
  4. Giai cấp thứ tư là Thủ Đà La: sinh từ gót chân của Phạm Thiên, nông dân và công nhân nghèo khổ nên đời đời kiếp kiếp làm nô lệ cho các giai cấp trên
  5. Giai cấp thứ năm là Chiên Đà La: là con lai của đẳng cấp thứ tư với các đẳng cấp trên, là giai cấp thấp kém nhất trong xã hội Ấn Độ, gồm các người làm các nghề như: Ở đợ, làm mướn, chèo ghe, giết súc vật, bị các đẳng cấp khác đối xử như thú vật, vô cùng khổ nhục.

3. Giai đoạn Hindu giáo (500 năm CN – 1500 năm CN)

Hindu giáo bắt đầu khoảng thế kỷ 6 – 7 và phát triển đến ngày nay, đây là thời điểm Phật giáo bắt đầu suy tàn tại Ấn Độ.

Hindu giáo là sự tiếp nối từ Veda giáo và Bàlamôn giáo theo khuynh hướng dân tộc hóa, biến tôn giáo này thành tôn giáo của người Ấn Độ, của tất cả người Hindu. Ở giai đoạn này, xu hướng thờ thần Brahman đã nhường bước cho xu hướng thờ Tam vị nhất thể gồm:

  • Thần Brahma là Đấng Sáng tạo
  • Thần Shiva là Đấng Tranh đấu
  • Thần Vishnu là Đấng Bảo tồn
Ba vị thần “Tam vị nhất thể” trong đạo Hindu Ấn Độ

Ngày nay, ở toàn Ấn Độ chỉ có duy nhất còn một đền thờ dành riêng thờ Phạm Thiên. Ngoài ra, Hindu giao hay Ấn Độ giáo còn thờ các vị Thần thuở xưa khác như: Thần Sấm Indra, Thần Mặt Trời Surya, Thần lửa Agni, Thần gió Vayu, Thần không trung Varuna.

Ấn Độ giáo vẫn giữ sự phân chia giai cấp của xã hội giống như Bàlamôn. Ấn Độ giáo phân thành nhiều Chi phái, chủ yếu có 2 phái lớn là Vishnu và Shiva, đồng thời nuôi dưỡng nhiều môn phái triết học mà nổi tiếng nhất là 2 môn phái: Védanta và Yoga.

Các điểm kế thừa và chia sẻ giữa Bàlamôn giáo và Hindu giáo

  1. Về thiết chế tôn giáo – xã hội: Hindu giáo tiếp tục duy trì sự phân chia xã hội thành 4 đẳng cấp, song không còn gay gắt mang tính thần quyền như thời kỳ Bàlamôn giáo.
  2. Về kinh điển: Hindu giáo là sự kế thừa liên tục từ kinh sách của Veda giáo và Bàlamôn giáo. Kinh điển Hindu giáo vẫn gồm Veda-Upanishad, và có thêm các bộ luận Sastra
  3. Về giáo lý: Hindu giáo cho rằng mọi người đều bị ràng buộc bởi luân hồi do nghiệp theo quy luật nhân – quả mà khởi đầu là do dục vọng dẫn dắt. Cách duy nhất để thoát khỏi chu kỳ này con người có thể tu luyện theo phép Yoga huyền bí, theo đuổi con đường tu khổ hạnh từ bỏ thế giới và đạt tới giải thoát.
  4. Về biểu tượng thờ cúng: Hindu giáo tiếp tục xu hướng thờ đa thần với các thần linh truyền thống, cùng nhiều vị thần trong tín ngưỡng dân gian
  5. Về biểu tượng thần: Hindu giáo có bổ sung và điều chỉnh khá nhiều nhưng có hệ thống hơn. Tuy vẫn thờ 3 vị thần Tam vị nhất thể, tuy nhiên các vị thần được bổ sung thêm và trật tự các thần cũng có chút đảo lộn. Thần Brahma có phần bị hạ thấp so với giai đoạn
    Bàlamôn giáo, nhưng thần Vishnu lại được đề cao hơn.

Ngoài ra, Hindu giáo cũng đã thêm nhiều quy định về chuẩn mực, hình phạt, lễ hội, nghi thức tế lễ tỉ mỉ hơn.

Qua bài viết này cho ta thấy, đạo Hindu Ấn Độ hay Ấn Độ giáo là sự chấn hưng của Bàlamôn giáo có tiếp thu thêm Phật giáo. Đây cũng là cách mà Hindu giáo đã thu hút được cả tín đồ Phật giáo và liên tục củng cố sức mạnh tín ngưỡng tôn giáo và khắc phục những hạn chế để trở thành một tôn giáo mạnh nhất ở Ấn Độ.

Pencil